Di tật thừa ngón tay, ngón chân ở trẻ em
Dị tật thừa ngón (thừa ngón tay hay ngón chân) là dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh đặc trưng bởi việc có thêm các ngón tay hoặc ngón chân phụ, với nhiều kiểu hình bất thường khác nhau. Các ngón thừa thường là một mô nhỏ, có xương mà không có khớp, rất hiếm khi có đủ các chức năng của một ngón tay bình thường. Mặc dù dị tật này không đe dọa đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng đến chức năng của bàn tay, bàn chân, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây ra tự ti, mặc cảm cho trẻ và gia đình và làm giảm chất lượng cuộc sống.
PHÂN LOẠI: Được chia làm 3 loại:
Thừa ngón cái (ngón cái sinh đôi): Là loại phổ biến nhất
Hình ảnh thừa ngón cái (ngón tay cái phụ, chân cái phụ)
Thừa các ngón ở giữa (ngón trỏ, giữa, nhẫn): hiếm gặp
Thừa ngón út (ngón út sinh đôi): ít gặp
Hình ảnh thừa ngón út
ĐIỀU TRỊ:
1. Nguyên tắc chung: cắt bỏ ngón thừa, giữ lại ngón có chức năng tốt hơn và bảo tồn tối đa, hài hòa cả giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ.
2. Đánh giá trước mổ: Cần phải chụp X Quang bàn tay, bàn chân và thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng để có thể phân loại ngón thừa, mức độ thiểu sản của mỗi ngón, độ vững của mỗi khớp, chức năng vận động của ngón… để lựa chọn phương pháp phẫu thuật.
Đối với từng phân loại sẽ có phương pháp phẫu thuật phù hợp. Thông thường, sẽ định hướng điều trị theo phân loại:
PHẪU THUẬT
Nguyên tắc điều trị là phẫu thuật cắt bỏ ngón thừa, giữ lại ngón có chức năng tốt hơn, tận dụng tối đa tổ chức của ngón cắt bỏ để tạo hình nhằm mang lại hiệu quả cao nhất về giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ.
Hình ảnh trước và sau phẫu thuật
Và sau khi phẫu thuật vết mổ sẽ được đóng lại với chỉ khâu vết thương tự tiêu nên bệnh nhi nhỏ tuổi không cần phải cắt chỉ sau mổ.
Bàn tay hoặc chân sau mổ sẽ được bất động bằng nẹp khoảng 3 tuần để bảo vệ gân cơ, dây chằng trong trường hợp có đính lại các cấu trúc này và được theo dõi chăm sóc hướng dẫn tập phục hồi chức năng.
Nên phẫu thuật điều trị vào thời điểm nào?
Về tuổi phẫu thuật, không có phác đồ chung nào về thời gian phẫu thuật cho tất cả dị tật thừa ngón. Nhưng tốt nhất nên điều trị càng sớm càng tốt vì nếu để lâu, sẽ càng khó điều trị và có thể xuất hiện biến chứng. Việc điều trị sớm kịp thời với kết quả tốt sẽ giúp bệnh nhi mau chóng hòa nhập sớm với cộng đồng, gia đình, xã hội để không ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
• Phẫu thuật sớm sẽ giúp phục hồi chức năng bàn tay sớm và giúp cho quá trình vận động sử dụng trong quá trình phát triển nhận thức.
• Nên phẫu thuật trước độ tuổi trẻ đến trường (tránh sự tự ti của trẻ với bạn bè).
Thạc sĩ, Bs Hoàng Văn Bảo
Khoa phẫu thuật nhi BV Xanh Pôn Hà Nội