Nơ vi hắc tố bẩm sinh – Phẫu thuật cải thiện thẩm mỹ và tránh nguy cơ ung thư hóa

Nơ vi hắc tố bẩm sinh (Congenital Melanocytic Nevus - CMN) hay dân gian còn gọi là bớt sắc tố, bớt đen, nốt ruồi lớn là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em với tần suất xuất hiện 1%, chủ yếu ở dạng nơ vi nhỏ gây ảnh hưởng thẩm mỹ, tâm lý trẻ.

Đinh nghĩa

Nơ vi hắc tố là một dạng tổn thương sắc tố xuất hiện trên da do sự tăng sinh bất thường của các tế bào sắc tố (melanocyte). Chúng thường có màu nâu, đen hoặc hơi xanh, kích thước và hình dạng đa dạng.
Nơ vi có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, với nơ vi lớn hoặc ở vùng mặt gây mất tự tin, khó khăn trong giao tiếp xã hội, cũng như áp lực tâm lý cho phụ huynh khi có nguy cơ ung thư hóa.
Đây là bệnh lý lành tính tuy nhiên có tỷ lệ ác tính hóa với tỷ lệ 0-40 % tùy theo thể bệnh. Các khối nơ vi khổng lồ phát triển thành ung thư hắc tốt với tỷ lệ 3-5 % và tăng dần theo thời gian

Phân loại

Nơ vi hắc tố bẩm sinh được phân loại theo kích thước:
+ Nơ vi nhỏ có đường kính < 1,5 cm.
+ Nơ vi vừa có đường kính 1,5 - 20 cm.
+ Nơ vi lớn hoặc khổng lồ có đường kính > 20 cm

Phân loại theo đội sâu:

+ Dạng nông là dạng hay gặp nhất, tổn thương biệt hóa gắn với biểu bì và trung bì nông thường xuất hiện ở mặt, thân, chi. Màu nhạt hơn vì các tế bào sắc tố trưởng thành gắn với biểu bì
+ Dạng sâu là dạng tổn thương không đều trải tới các lớp và cấu trúc sâu, bao gồm dây thần kinh, mạch máu và cơ. Tổn thương sẫm màu hơn, phần lớn xuất hiện ở lưng, da đầu và mông.

Chẩn đoán

Chẩn đoán nơ vi hắc tố dựa vào lâm sàng, không cần thiết các xét nghiệm cận lâm sàng hay sinh thiết
Biểu hiện: Khối bớt sẫm màu xuất hiện từ sau sinh với đường viền không đều
-  Có thể nôi trên bề mặt da hoặc không, bề mặt nhẵn nhịu hoặc có múi
-  Có thể mọc lông trên bề mặt, đặc biệt dễ chảy máu tại vùng có lông như da đầu
-  Phát triển theo tỷ lệ tăng kích thước cơ thể

Chẩn đoán phân biệt: Ota, vết cà phê sữa, tăng sắc tố Baker

Điều trị

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản và hiệu quả nhất
Việc cắt bỏ có thể được cân nhắc càng sớm càng tốt, đảm bảo chức năng và thẩm mỹ cũng như ngăn ngừa khả năng ác tính hóa của tổn thương.
Thời điểm phẫu thuật khuyến cáo: 6-12 tháng tuổi và với các bệnh nhân cần phẫu thuật nhiều lần thì lần cuối nên kết thúc trước 6 tuổi tránh ảnh hưởng tâm lý trẻ.

Phẫu thuật cắt nơ vi, khâu đóng trực tiếp

Với các tổn thương nơ vi kích thước nhỏ, phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối nơ vi trong 1 lần phẫu thuật

Với các khối nơ vi kích thước trung bình và lớn cần có kế hoạch điều trị hợp lý, các phương pháp có thể bao gồm:
Cắt thu nơ vi nhiều lần
Chỉ định: Thường áp dụng cho nơ vi kích thước trung bình, ở vị trí thân mình, chi thể, da đầu, vùng trán hoặc má
Phẫu thuật loại bỏ toàn bộ khố nơ vi được tiến hành qua nhiều lần phẫu thuật, mỗi lần cách nhau 3-6 tháng dựa trên sự giãn da tự nhiên của cơ thể
Việc thiết kế các đường rạch da rất quan trọng đảm bảo lượng da giãn là nhiều nhất có thể, giảm thiểu tối đa số lần mổ, tránh co kéo các cơ quan lân cận, đường sẹo cuối cùng nằm trùng tại các đường giãn da tự nhiêu

 Cắt Nơ vi- ghép da
Chỉ định cho các nơ vi lớn, hoặc tại vị trí không đủ da lành xung quanh để căng giãn, cũng như gần các cơ quan khác gây biến dạng cơ quan nếu cắt thu
Phẫu thuật có thể cắt bỏ toàn bộ khối nơ vi, sau đó tái tạo bởi mảnh ghép da dày toàn bộ. Vị trí lấy da thường là da sau tai, da thượng đòn, da mi mắt với các tổn thương vùng mặt, hoặc da mông, bẹn, bụng với các tổn thương vùng khác

Tuy nhiên da ghép có thể không đồng nhất về màu sắc, kết cấu với da xung quanh

Cắt nơ vi, tạo hình bằng vạt da tại chỗ

Chỉ định cho cho các khối nơ vi kích thước trung bình có thể huy động phần da kế cận để che phủ tổn khuyết sau cắt nơ vi. Đây là phương pháp phù hợp nhất cho các khối nơ vi vùng mặt vì giảm tối đa số lần phẫu thuật, chất liệu che phủ tương đồng về kết cấu, độ dày, màu sắc, tránh ngay cơ co kéo các cơ quan lân cận, sẹo đưa vào các nếp tự nhiên và đường giãn da nhằm đạt hiệu quả thẩm mỹ tối ưu. Thường sử dụng các vạt xoay, vạt chuyển, vạt dồn dẩy

Trong kế hoạch điều trị nơ vi hắc tố, có thể phối hợp điều trị 1 trong 3 phương pháp kể trên

Sử dụng túi giãn da
Trong các trường hợp khối nơ vi khổng lồ, bệnh nhân hợp tác (>6 tuổi) có thể sự dụng túi giãn da như 1 phương án giảm thiểu tối đa số lần mổ, hiệu quả thẩm mỹ cao. Đây là phương án điều trị rất hiệu quả trong các trường hợp nơ vi da đầu, da trán hoặc nơ vi toàn bộ chu vi khuỷu tay, cẳng tay.
Băng việc phẫu thuật đặt 1 túi giãn da tại vùng da lành cạnh khối nơ vi hoặc lân cận vị trí nhằm tăng thể tích vùng này bằng việc bơm dung dịch muối, kháng sinh vào túi giãn trong thời gian 2-3 tháng
Phẫu thuật lần 2 bao gồm tháo túi giãn, cắt bỏ khối nơ vi và tạo hình vạt da giãn che phủ toàn bộ khối nơ vi.

Đây là kĩ thuật phức tạp, yêu cầu phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm điều trị, tính toán vị trí túi giãn và diện tích da đủ để che phủ tổn khuyết sau cắt nơ vi, cũng như bệnh nhân cần trải qua quá trình phẫu thuật đặt túi giãn, bơm túi trong nhiều tháng, tháo túi và tạo hình vạt da giãn. Tuy nhiên kết quả mang lại hết sức khả quan.
Các phương pháp điều trị khác như Lazer, mài da ít hiệu quả với nơ vi thể sâu

Tại bệnh viện Nhi Hà Nội, với đội ngũ bác sĩ phẫu thuật tạo hình nhiều kinh nghiệm sẽ cung cấp cho gia đình và trẻ phác đồ điệu trị nơ vi cá thể hóa, phù hợp với trẻ cũng như được hướng dẫn, theo dõi và chăm sóc sẹo sau mổ, đảm bảo trẻ không còn tự ti với các vết bớt trên người và đường sẹo sau phẫu thuật.

Với các khối nơ vi nhỏ, dựa trên đánh giá của bác sĩ, trẻ có thể được tiến hành phẫu thuật và ra về ngay trong ngày.

Chúng tôi hiểu rằng việc trẻ sinh ra với một vết bớt lớn có thể là nỗi lo lắng lớn cho gia đình. Nhưng với các phương pháp hiện đại, chúng tôi cam kết mang lại kết quả tốt nhất cho trẻ. Liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn: Thạc sĩ, Bs Đỗ Hùng Anh chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình ĐT 0374846394 - Khoa Ngoại Tổng Hợp bệnh viện Nhi Hà Nội- Hotline: 0358956114

Thạc sĩ, Bs Đỗ Hùng Anh
Khoa Ngoại Tổng Hợp bệnh viện Nhi Hà Nội