NANG BẠCH HUYẾT Ổ BỤNG

I. ĐỊNH NGHĨA

     U nang bạch huyết ổ bụng thường gặp trong thực tế lâm sàng dưới 2 dạng chủ yếu: u nang mạc nối lớn và u nang mạc treo ruột.

    Tần suất gặp trong thực tế được báo cáo là từ 1/105000 đến 1/20000 số ca nhập viện.

      Tỉ lệ mắc ở nữ nhiều hơn nam, người da trắng gặp nhiều hơn

II. CHẨN ĐOÁN

1. Lâm sàng

- Đau bụng ( gặp ở khoảng 40% các trường hợp) do các biến chứng của nang bạch huyết ổ bụng gây tắc ruột, xoắn ruột hay nhồi máu mạc treo ruột.

- Sốt (thường do nhiễm trùng nang)

- Thiếu máu cấp (do chảy máu trong nang)

- Khám bụng:

+ Bụng chướng là triệu chứng hay gặp nhất

+ Có thể sờ thấy khối u bụng, mềm, di động, có khi khối u lớn chiếm toàn bộ ổ bụng

+ Có thể gặp dịch acites ổ bụng

2. Cận lâm sàng

- Siêu âm ổ bụng: thấy các nang, kích thước khác nhau, vách mỏng, dịch trong đồng nhất hoặc không đồng nhất khi chảy máu hoặc nhiễm trùng nang

- CT ổ bụng có uống thuốc cản quang có thể đánh giá sự liên quan giữa ruột và nang, ngoài ra có thể xác định nang bạch huyết bắt nguồn từ các vị trí khác như: thận, tuỵ hay buồng trứng…

Hình ảnh CT của nang bạch huyết ổ bụng

III. ĐIỀU TRỊ   

Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật nội soi được chỉ định cho tất cả các trường hợp u nang bạch huyết ổ bụng, bao gồm cả các bệnh nhân có chảy máu hay nhiễm trùng nang phải mổ cấp cứu.

1. Tư thế bệnh nhân và vị trí kíp mổ

      Bệnh nhân nằm ngửa, có thể độn lưng ở những trường hợp u nang mạc treo tiên lượng phải cắt ruột (để dễ dàng đưa ruột ra ngoài hơn)

      Phẫu thuật viên và người cầm camera đứng phía đối diện với u, màn hình để về phía có u.

2. Kỹ thuật

2.1. Vị trí trocar

 Trocar thứ nhất 10mm: đặt qua rốn. Tùy vào vị trí của u nang để đặt các trocar tiếp theo (3-5mm), 1 đến 3 trocar. Có thể chỉ dùng 1 trocar duy nhất qua rốn dùng camera có kênh cho dụng cụ để kéo u nang ra cắt ở ngoài.

2.2. Các thì phẫu thuật

- Sau khi đặt trocar 10 mm qua rốn, dùng camera có kênh cho dụng cụ để quan sát ổ bụng và đánh giá khối u. Nhiều u nang mạc nối lớn có thể kéo 1 phần ra ngoài qua lỗ trocar, hút dịch ở bên ngoài cho nang xẹp, sau đó kéo tiếp toàn bộ nang ra ngoài ổ bụng và cắt u ở bên ngoài.

- Với các u nang mạc treo có chỉ định cắt ruột (khi tổ chức u như tổ ong gồm nhiều nang nhỏ, không thể tách khỏi các mạch máu mạc treo, hoặc khi tổ chức u xâm lấn vào thành ruột), có thể mở rộng thêm lỗ trocar ở rốn lên trên và/hoặc xuống dưới 1-2 cm vừa đủ để đưa quai ruột có mạc treo với u nang ra ngoài ổ bụng, cắt u cùng với đoạn ruột và nối ruột bên ngoài rồi đưa lại ruột vào ổ bụng.

- Sinh thiết trong mổ nếu có nghi ngờ u ác tính

- Dùng đốt điện hoặc dao siêu âm đốt cắt các mạch máu đi vào u.

- Đối với các u nang mạc treo chỉ gồm 1 – 2 nang lớn thành mỏng có thể cắt gần toàn bộ nang, chỉ để lại 1 phần rất nhỏ thành nang trên các mạch máu lớn mạc treo, bảo tồn mạch máu ruột

- Đối với các u phức tạp hơn, đặc biệt các u sau phúc mạc, vùng trước thận, hậu cung mạc nối, sát các mạch máu lớn.., phẫu tích giải phóng u khỏi các tổ chức xung quanh, cắt u tối đa có thể nhưng tránh phẫu thuật cực đoan phải cắt các tạng như lách, tụy, thận hoặc gây tổn thương mạch máu

- Đưa u ra ngoài qua lỗ trocar 10mm (cắt nhỏ bớt nếu cần)

- Rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu nếu cần (cho các trường hợp u phức tạp sau phúc mạc)

3. Tai biến và biến chứng

- Tai biến trong mổ: có thể tổn thương các mạch máu lớn mạc treo hoặc sau phúc mạc, tổn thương các tạng xung quanh (ruột, gan, lách…)

- Biến chứng sau mổ: có thể có rò bạch mạch ổ bụng, dịch bạch huyết tồn dư

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       de Lagausie P, Bonnard A, Berrebi D, et al. Abdominal lymphangiomas in children: interest of the laparoscopic approach. Surg Endosc. 2007;21(7):1153-7.

2.       Asoglu O, Igci A, Karanlik H, et al. Laparoscopic treatment of mesenteric cysts. Surg Endosc. 2003;17(5):832.

3.       Conzo G, Vacca R, Grazia Esposito M,et al. Laparoscopic treatment of an omental cyst: a case report and review of the literature. Surg Laparosc Endosc Percutan Tech. 2005;15(1):33-5.

4.       Morrison CP, Wemyss-Holden SA, Maddern GJ. A novel technique for the laparoscopic resection of mesenteric cysts. Surg Endosc. 2002;16(1):219.

5.       Mason JE, Soper NJ, Brunt LM. Laparoscopic excision of mesenteric cysts: a report of two cases. Surg Laparosc Endosc Percutan Tech. 2001;11(6):382-4.

6.       O'Brien MF, Winter DC, Lee G,et al. Mesenteric cysts--a series of six cases with a review of the literature. Ir J Med Sci. 1999;168(4):233-6.

7.       Shamiyeh A, Rieger R, Schrenk P, et al. Role of laparoscopic surgery in treatment of mesenteric cysts. Surg Endosc. 1999;13(9):937-9.

8.       Vu JH, Thomas EL, Spencer DD. Laparoscopic management of mesenteric cyst. Am Surg. 1999;65(3):264-5.

9.       Mackenzie DJ, Shapiro SJ, Gordon LA,et al. Laparoscopic excision of a mesenteric cyst. J Laparoendosc Surg. 1993;3(3):295-9.