Phẫu thuật ít xâm lấn trong Gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ em
Tổng quan
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là loại gãy xương phổ biến nhất ở vùng khuỷu và phổ biến thứ hai trong số những gãy xương ở trẻ em. Đây là tổn thương thường gặp ở trẻ từ 3 tới 7 tuổi, đòi hỏi được chẩn đoán, điều trị phù hợp để tránh các tai biến, biến chứng,…
Về giải phẫu, đây là vùng chuyển tiếp giữa phần xương dài, hình trụ ở phía trên với phần dưới hình lăng trụ tam giác, do đó hình thành một điểm yếu. Bên cạnh đó, tuy ở vùng hành xương, nhưng khu vực trên lồi cầu có ít sụn tăng trưởng, chỉ chiếm 20% đóng góp cho quá trình dài xương, do đó khả năng tự chỉnh sửa kém hơn so với đầu trên xương cánh tay, đòi hỏi phải nắn chỉnh hoàn hảo.
Nguyên nhân
Chủ yếu do cơ chế gián tiếp, khi trẻ ngã chống tay xuống nền cứng, đẩy lồi cầu ra sau hoặc do chấn thương trực tiếp khi đập khuỷu
Phân loại
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ em được phân chia thành 02 thể chính: Gãy thế ưỡn và thể gấp. Trong đó gãy thể ưỡn là loại gãy lồi cầu di lệch gập góc ra sau so với thân xương, được phân loại theo tác giả Gartland, với chỉ định bảo tồn cho độ I và IIA. Ngược lại, gãy thể gấp là loại gãy lồi cầu di lệch gập góc ra trước, đòi hỏi phẫu thuật tuyệt đối.
Điều trị
Đa số gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ em là gãy thể ưỡn, được điều trị bảo tồn bằng cách treo tay hoặc bó bột cánh cẳng bàn tay đối với độ I hoặc IIA, nắn chỉnh & xuyên đinh với độ IIB trở lên.
Đối với điều trị phẫu thuật, tại bệnh viện Nhi Hà Nội, với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, trẻ được gây mê, nắn chỉnh xương gãy về giải phẫu trên hệ thống màn tăng sáng, đảm bảo nắn chỉnh tuyệt đối, can thiệp ít xâm lấn, rút ngắn thời gian nằm viện, đảm bảo hồi phục nhanh chóng. Sau xuyên đinh trẻ được cố định tăng cường bằng bột cánh cẳng bàn tay, đảm bảo duy trì nắn chỉnh.
Chăm sóc sau điều trị
Đối với điều trị bảo tồn, trẻ được cố định bằng treo tay hoặc bó bột trong 3 – 4 tuần, phụ huynh cần chú ý tới tình trạng tuần hoàn chi thể thông qua các đầu ngón tay hồng ấm hay không, vận động, cảm giác ngón tay có bất thường hay không. Nếu có bất thường xảy ra cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để xử lý kịp thời, tránh các biến chứng.
Sau điều trị can phẫu thuật, trẻ sẽ được đánh giá kỹ lưỡng trước khi xuất viện, sau 3 – 4 sẽ tiến hành tháo bột và rút đinh tiểu phẫu. Ngoài việc theo dõi tình trạng tuần hoàn, vận động, cảm giác, phụ huynh cần lưu ý không để ướt bột, tránh nhiễm trùng chân đinh
Liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình nhi Bệnh viện Nhi Hà Nội để được tư vấn: Thạc sĩ, Bs Nguyễn Đăng Bằng ĐT 0969481712 - Khoa Ngoại Tổng Hợp bệnh viện Nhi Hà Nội- Hotline: 0358956114
Thạc sĩ, Bs Nguyễn Đăng Bằng
Khoa Ngoại Tổng Hợp bệnh viện Nhi Hà Nội