Phẫu thuật ít xâm lấn trong điều trị gãy thân xương chi dưới ở trẻ em
Tổng quan
Gãy xương chi dưới ở trẻ em thường gặp gãy thân xương đùi, xương chày và xương mác, xảy ra sau các tai nạn có năng lượng cao như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt ngã cao,… cần được xử trí kịp thời để tránh các biến chứng.
Do đặc điểm giải phẫu xương trẻ em có màng xương dày, hai đầu xương có sụn tăng trưởng, do đó khả năng liền xương cũng như tự chỉnh sửa biến dạng sau can xương tốt, đặc biệt đối với trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên đối với trẻ lớn, việc điều trị bảo tồn có thể không đạt được hiệu quả nắn chỉnh tốt, bất động kéo dài, gây ra các biến chứng như cứng khớp, teo cơ,…
Điều trị
Điều trị bảo tồn được chỉ định cho trẻ dưới 6 tuổi, nắn chỉnh hoàn toàn hoặc tương đối theo từng độ tuổi phù hợp. Sử dụng bó bột chậu lưng chân đối với gãy xương đùi, bột đùi cẳng bàn chân với gãy xương cẳng chân trong thời gian từ 4 – 6 tuần.
Tại bệnh viện Nhi Hà Nội đã triển khai nắn chỉnh gây mê với sự hỗ trợ của hệ thống màn hình tăng sáng, giúp cho quá trình nắn chỉnh không đau, xương gãy về vị trí giải phẫu và được cố định tốt. Bên cạnh đó vật liệu bó bột cũng được lựa chọn là bột sợi thuỷ tinh, với ưu điểm mỏng và nhẹ hơn bột thạch cao thông thường, giúp trẻ sinh hoạt thoải mái hơn, ít kích ứng với da,…
Đối với trẻ lớn, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phẫu thuật kết hợp xương ít xâm lấn dưới hỗ trợ của màn hình tăng sáng, sử dụng đinh nội tuỷ đã trở thành sự lựa chọn phổ biến nhất. Phẫu thuật này có ưu điểm bảo tồn tối đa phần mềm, mạch máu, màng xương, sẹo mổ nhỏ, giúp cho quá trình liền xương sinh lý nhất có thể. Sau khi nắn chỉnh xương về vị trí giải phẫu, các bác sỹ sẽ luồn đinh qua đường rạch nhỏ vào trong ống tuỷ, cố định vững chắc xương gãy, giúp cho trẻ có thể tập vận động sớm.
Tại bệnh viện Nhi Hà Nội, kỹ thuật này được triển khai thường quy, với hệ thống phòng mổ hiện đại, sử dụng hệ thống máy móc tiên tiến hàng đầu cùng các bác sỹ kinh nghiệm. Trẻ chỉ cần sử dụng một liều kháng sinh dự phòng duy nhất trước mổ, vết mổ nhỏ, không đau, có thể ra viện sau 1 – 2 ngày điều trị, phục hồi chức năng sớm sau 2 tuần từ khi phẫu thuật, hạn chế tối đa các biến chứng. Trẻ được tập tỳ chân sau 4 – 6 tuần và trở lại các hoạt động thường ngày khi không đau. Thông thường, sau phẫu thuật 6 – 9 tháng, dựa trên kết quả X-quang đánh giá tình trạng liền xương, trẻ có thể được phẫu thuật rút đinh với đường mổ trùng với lần trước đó.
Liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình nhi Bệnh viện Nhi Hà Nội để được tư vấn: Thạc sĩ, Bs Nguyễn Đăng Bằng ĐT 0969481712 - Khoa Ngoại Tổng Hợp bệnh viện Nhi Hà Nội- Hotline: 0358956114
Thạc sĩ, Bs Nguyễn Đăng Bằng
Khoa Ngoại Tổng Hợp bệnh viện Nhi Hà Nội