HẸP BAO QUI ĐẦU

Hẹp bao qui đầu (hẹp da bao qui đầu, phimosis) là một bệnh lý thường gặp ở trẻ trai. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

1. Hẹp bao qui đầu là gì?

Hẹp bao qui đầu là tình trạng da bao qui đầu không thể kéo xuống tách ra khỏi qui đầu.

Hẹp bao qui đầu có thể là sinh lý hoặc bệnh lý:

- Hẹp sinh lý là hẹp do dính, bao qui đầu dính với qui đầu để bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh ra. Đa số trẻ trai mới sinh (96%) đều có hẹp bao qui đầu sinh lý, đến 3 tuổi tỷ lệ này giảm xuống còn 10% và chỉ còn 1% lúc 14 tuổi. Hẹp sinh lý hoàn toàn không có triệu chứng hay biến chứng gì.

- Hẹp bệnh lý là hẹp thực sự khi có sự hiện diện của sẹo xơ. Sẹo xơ được hình thành là do viêm nhiễm kéo dài ở bao quy đầu.

Hình 1: Hẹp qui đầu

Hẹp bao qui đầu không phải là một vấn đề trừ khi có các dấu hiệu bệnh lí như làm trẻ tiểu khó, đau khi tiểu hoặc khi dương vật cương, sưng nều da quy đầu… Đây thường là hậu quả của sự viêm nhiễm và tạo sẹo da qui đầu. Từ “hẹp bao qui đầu” thường được dùng để chỉ hẹp da qui đầu bệnh lý.

2. Biểu hiện của hẹp bao qui đầu là gì?

Hẹp qui đầu bệnh lý ở trẻ em biểu hiện bằng các triệu chứng: tiểu máu, tiểu đau, nhiễm trùng tiết niệu tái phát, dòng nước tiểu nhỏ… Đối với những bé nhỏ, biểu hiện sớm nhất có thể là quấy khóc và rặn khi tiểu.

Có thể thấy da qui đầu sưng, viêm đỏ, sờ vào đau, đôi khi có chảy mủ đục và hôi. Da qui đầu bị chit hẹp và có 1 vòng xơ trắng ở lỗ da qui đầu.

3. Hậu quả của hẹp bao qui đầu

Nếu không điều trị, hẹp bao qui đầu có thể dẫn tới nhiều hậu quả:

          - Trẻ có thể bị nhiễm trùng tiết niệu tái phát.

          - Không vệ sinh tốt gây viêm qui đầu.

          - Trẻ sẽ đau khi cương cứng dương vật.

          - Kẹt da qui đầu làm tắc mạch nuôi qui đầu phải cấp cứu

          - Các chất tiết tích tụ có nguy cơ gây ung thư dương vật về sau.

Như vậy, điều trị hẹp bao qui đầu bệnh lý là rất cần thiết cho trẻ.

4. Điều trị hẹp bao qui đầu

Nếu trẻ dưới 2 tuổi và không có các triệu chứng bệnh lý trong hẹp qui đầu, bé sẽ được theo dõi và chờ da qui đầu được nong tự nhiên. Điều cần làm là phải vệ sinh sạch sẽ: khi tắm cho trẻ, kéo nhẹ nhàng da qui đầu về phía sau tránh rách qui đầu, rửa sạch bằng nước và xà phòng nhẹ. Khi trẻ đi tiểu cũng làm tương tự.

Nong bao qui đầu

Trẻ đã lớn hơn 2 tuổi và vẫn còn hẹp da qui đầu nên xem xét điều trị. Trẻ sẽ được nong qui đầu tại bệnh viện và bôi thuốc bởi bác sĩ. Sau đó tại nhà, ba mẹ sẽ tiếp tục nong hang ngày, vệ sinh sạch sẽ và bôi thuốc hàng ngày trong vòng 2 tuần. 

Cắt bao qui đầu

Chỉ định cắt bao qui đầu khi nong bao quy đầu thất bại hoặc khi hẹp bao qui đầu bệnh lý có các biểu hiện: xơ hẹp, nhiễm trùng tiểu, tiểu đau, tiểu khó, …

Hình 2: Phẫu thuật cắt bao quy đầu

Việc cắt da qui đầu có rất nhiều lợi điểm:

         -  Loại trừ được các biến chứng do hẹp qui đầu: nhiễm trùng tiểu, nhỏ dương  vật, giao hợp đau, ung thư dương vật.

         -  Giảm tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.

Cắt da qui đầu đơn giản nên trẻ sẽ được phẫu thuật và xuất viện trong 1 ngày. Sau mổ trẻ sẽ được cho thuốc giảm đau và có thể kèm thuốc bôi kháng viêm giảm đau tại chổ. Người nhà cho trẻ uống và bôi thuốc theo toa bác sĩ đồng thời giữ cho da quy đầu của trẻ khô ráo. Ngày đầu nên giữ băng, những ngày sau không cần phải băng quá kĩ. Chỉ khâu là chỉ tiêu và sẽ tự tiêu sau 1 tới 2 tháng, người nhà không cần đưa trẻ đi cắt chỉ.

Cho trẻ tái khám ngay khi có các vấn đề sau:

          - Chảy máu ở qui đầu nơi vết khâu

          - Thắt nghẹt qui đầu

          - Vết mổ chảy dịch, hôi...

Nếu không có các vấn đề trên, đưa trẻ tái khám sau 1- 2 tuần. Bác sĩ đánh giá lại xem có các biến chứng muộn như: thiếu da, dò niệu đạo, hẹp miệng sáo, sẹo xấu, vùi dương vật thứ phát, dính da vào qui đầu, hẹp tái phát… hay không. Từ đó trẻ sẽ được xử trí thích hợp.

 

Thạc sĩ, Bs Hoàng Văn Bảo

Bệnh viện Nhi Hà Nội